Sân bay Liên Khương được đề xuất thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2030 bởi Cục Hàng không Việt Nam. Theo đó, sân bay được quy hoạch với thiết kế công suất phục vụ 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hóa mỗi năm, dùng chung cho dân dụng và quân sự. Được biết, đầu tháng 12/2022, Cục HKVN đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận Tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Liên Khương – tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn cho đến năm 2050.
Kế hoạch quy hoạch sân bay Liên Khương thành sân bay quốc tế
Theo như quy hoạch, đến năm 2030 thì sân bay Liên Khương đạt cấp 4E và sân bay quân sự cấp 1. Công suất phục vụ sẽ là 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hóa mỗi năm, tối thiểu 21 vị trí đỗ tàu bay. Các dòng máy bay mà sân bay Liên Khương có thể khai thác gồm A320, A321, B787, A350 và các dòng máy bay tương đương.
Sân bay Liên Khương là điểm hạ cánh cho chuyến bay đi/đến Đà Lạt
Để tăng công suất phục vụ, sân bay Liên Khương được quy hoạch xây dựng nhà ga hành khách T2 với công suất 3 triệu hành khách/năm ở vị trí phía Đông nhà ga T1 hiện tại. Sau đó, hai nhà ga sẽ được khai thác với tổng công suất 5 triệu khách. Về đường cất hạ cánh, nó sẽ được cải tạo và nâng cấp kích thước 3.250x45m, lề mỗi bên rộng tối thiểu 7,5m. Tầm nhìn cho đến năm 2050, sân bay Liên Khương cấp 4E có công suất 7 triệu hành khách và 30.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Sân đỗ tàu bay của sân bay Liên Khương – tỉnh Lâm Đồng
Để thực hiện quy hoạch, Cục HKVN kiến nghị Bộ GTVT sớm làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về quy mô, phương án quy hoạch sân bay. Đồng thời đề nghị địa phương quy hoạch đồng bộ hệ thống giao thông kết nối đến sân bay.
Vai trò quan trọng của sân bay Liên Khương
Sân bay Liên Khương nằm cách Đà Lạt, điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất của vùng Tây Nguyên khoảng 28km, công suất thiết kế 2 triệu hành khách. Vào năm 2019, sân bay Liên Khương đón 2 triệu hành khách. Đầu tháng 12/2022, hãng hàng không Vietjet Air đã mở đường bay quốc tế Đà Lạt – Bangkok, khai thác 4 chuyến mỗi tuần sau gần 3 năm tạm ngưng vì đại dịch.
Có thể thấy rằng, sân bay Liên Khương giữ vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên Việt Nam nói chung. Việc Sân bay Liên Khương được đề xuất thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2030 sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, hành khách trong nước lẫn quốc tế. Đồng thời giúp việc bố trí phòng làm việc cho các lực lượng hải quan, kiểm soát an ninh, an toàn bay phục vụ cho các chuyến bay thường lệ đi/đến ngày một tốt hơn.