Phi công có thể bị cấm bay suốt đời nếu để hành khách vào buồng lái

An ninh trong buồng lái là vấn đề luôn được các hãng hàng không đặt lên hàng đầu. Bởi là khu vực quan trọng nhất trên chiếc tàu bay, buồng lái là nơi phi công điều khiển máy bay, xử lý các tình huống cất, hạ cánh và cả những trường hợp khác để đảm bảo an toàn cho cả chuyến bay. Chính tầm quan trọng đó, việc cho phép người khác ngoài phi công vào trong buồng lái cũng được xem là một trong những điều tối kị nhất. Thậm chí ở một số hãng hàng không, phi công có thể bị cấm bay suốt đời nếu để hành khách vào buồng lái.

Bị cấm bay vĩnh viễn vì cho hành khách vào buồng lái

Đó là trường hợp của một phi công thuộc hãng hàng không Air Gullin (Trung Quốc) khi cơ trưởng này cho phép một nữ hành khách vào buồng lái máy bay tham quan và chụp ảnh trong lúc máy bay đang ở độ cao ổn định. Sự việc này xảy ra trên chuyến bay của hãng cách đây 10 tháng. Tuy nhiên, nó chỉ mới được lan truyền một cách nhanh chóng vào ngày 3/11 sau khi cô gái này đăng ảnh lên mạng xã hội.

Bức ảnh nữ hành khách vào trong buồng lái trên một chuyến bay của Air Gullin vừa lan truyền trên mạng

Theo quy định của Air Gullin, việc làm trên của viên phi công đã vi phạm vào quy tắc an toàn bay. Và để trả giá cho hành động đó, hãng hàng không đã ra quyết định cấm bay suốt đời đối với phi công. Đồng thời đình chỉ vô thời hạn đối với tổ bay trong thời gian chờ điều tra.

Trước đó, một viên phi công của hãng hàng không Donghai Airlines cũng từng bị đình chỉ bay 6 tháng và tước bỏ vị trí giáo viên của mình vì đã cho vợ vào buồng lái.

Có hãng bay nào cho hành khách vào buồng lái hay không?

Buồng lái là nơi giữ vị trí vô cùng quan trọng. Vì thế, ngoài phi công, việc cho người khác vào buồng lái hay không cũng được xem là một vấn đề ảnh hưởng đến quy tắc an toàn hàng không. Tuy nhiên, trên thực tế, việc hành khách được phép vào buồng lái máy bay hay không còn tùy thuộc vào quy định của từng hãng bay.

Tùy vào từng trường hợp và hãng hàng không, cơ trưởng có thể bị cấm bay nếu cho hành khách vào buồng lái

Chẳng hạn, Qatar Airways là một trong những hãng hàng không nghiêm cấm việc hành khách vào buồng lái, kể cả trước, trong hay sau chuyến bay. Thế nhưng, Emirates lại cho hành khách của mình vào tham quan buồng lái sau chuyến bay nếu được sự đồng ý từ cơ trưởng. Ngoài ra, một số hãng cũng cho phép hành khách vào buồng lái với sự đồng ý của cơ trưởng khi máy bay đang ở cổng chờ.

Những quy định ít ai biết về buồng lái máy bay

Sau vụ khủng bố cướp máy bay khiến 3000 người chết vào ngày 11/9 ở Mỹ, hầu hết các hãng hàng không đều cấm hành khách vào buồng lái trong suốt chuyến bay để đảm bảo an ninh. Cửa vào cũng sẽ bị khóa từ lúc máy bay di chuyển trên đường băng cho đến đến lúc hạ cánh và ngừng động cơ.

Là khu vực quan trọng nhất của máy bay, buồng lái luôn được thắt chặt an ninh một cách tối đa

Các máy bay chở khách từ 60 chỗ trở lên được Tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) yêu cầu cần có cửa vào khoang lái được thiết kế chống ngoại lực phá hoại từ bên ngoài. Đồng thời cửa sẽ được mở khóa và mở từ ghế của phi công.

Ngoài ra, theo quy định, khi cần sự có mặt của thành viên tổ bay hay cơ trưởng, tiếp viên trưởng đóng vai trò liên lạc với tổ bay. Trong trường hợp khẩn cấp, họ có thể mở cửa khoang lái từ cabin. Tuy nhiên, các biện pháp an toàn đã được thiết lập để đảm bảo phi công có quyền quyết định mở hay không.

Theo quy định mới nhất, cần có ít nhất hai thành viên tổ bay có khả năng điều khiển máy bay ở trong buồng lái cùng một lúc. Mục đích nhằm tránh trường hợp phi công có vấn đề chủ quan hay khách quan.