Viếng thăm những ngôi chùa nổi tiếng khi du lịch Sài Gòn mùa lễ 30/4

Với nhịp sống năng động cùng nhiều điểm vui chơi hấp dẫn, Sài Gòn là điểm đến được nhiều người lựa chọn mỗi khi đến kỳ nghỉ lễ 30/4. Ngoài những khu du lịch sầm uất như Suối Tiên, Đầm Sen hay các trung tâm thương mại sang chảnh, du khách mua vé máy bay đi Sài Gòn còn có thể viếng thăm những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và nổi tiếng linh thiêng nơi đây. Hãy cùng chúng tôi khám phá xem ở Sài Gòn có những ngôi chùa nào nổi tiếng nhất nhé!

  • Chùa Vĩnh Nghiêm

Trong thập niên 60, hai vị hòa thượng Thích Thanh Kiếm và Thích Tâm Giác từ Bắc vào Nam truyền bá Phật giáo. Năm 1964, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Chùa được khởi công xây dựng trên khu đất nằm bên rạch Thị Nghè. Năm 1971, các hạng mục cơ bản được hoàn thành bao gồm tòa nhà trung tâm, bảo tháp Quan Thế Âm. Những năm về sau, các công trình khách lần lượt hoàn thành như Tháp đá Vĩnh Nghiêm, Phương trượng đường…

Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những công trình Phật giáo tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỷ XX

Chùa Vĩnh Nghiêm được xem là một trong những công trình Phật giáo tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỷ XX. Kiến trúc chùa rất bề thế và hoành tráng. Công trình biểu tượng của chùa là Tam quan có kiến trúc đồ sộ, được xây theo kiểu truyền thống với mái ngói đỏ uốn cong. Ngôi chùa cũng nắm giữ kỷ lục về ngôi chùa có tháp đá cao nhất Việt Nam – tháp Vĩnh Nghiêm. Tòa tháp này thờ cố hòa thượng Thích Thanh Kiếm, một trong hai vị hòa thượng có công sáng lập chùa.

Chùa có tháp đá Vĩnh Nghiêm cao ngất, là nơi thờ cố hòa thượng Thích Thanh Kiếm

  • Chùa Pháp Hoa

Chùa Pháp Hoa được thành lập vào năm 1928 bởi hòa thượng Đạo Hạ Thanh. Trước kia, ngôi chùa rất đơn sơ và giản dị. Sau khi chùa trải qua nhiều biến cố và các đợt trùng tu tôn tạo nên có được diện mạo uy nghiêm, khang trang như hiện nay. Năm 2015, chùa Pháp Hoa được Sở văn hóa thể thao và du lịch thành phố Hồ Chí Minh vinh danh là di tích lịch sử của Việt Nam.

Chùa Pháp Hoa nằm bên kênh Nhiêu Lộc với cảnh quan thơ mộng, trang nghiêm

Ngôi chùa tọa lạc sừng sững bên cạnh kênh Nhiêu Lộc. Nhìn từ xa, du khách đã có thể cảm nhận được vẻ đẹp thơ mộng và yên bình của chùa. Lối vào chùa trồng nhiều cây xanh và hoa phong lan, làm tăng thêm không gian thanh tịnh chốn cửa Phật. Trong những ngày rằm, những ngày đầu năm hay lễ Phật Đản, chùa thu hút nhiều người đến làm lễ, cầu phúc, thả đèn hoa đăng. Tất cả những điều đó tạo nên một hình ảnh thật đẹp, đồng thời là trải nghiệm khó quên cho du khách.

Vào những dịp đặc biệt, chùa được trang hoàng với nhiều ánh đèn làm cho không gian thêm phần huyền ảo

  • Chùa Phổ Quang

Chùa Phổ Quang được hòa thượng Nguyễn Viết Tạo khởi công xây dựng vào năm 1951. Ban đầu, kiến trúc chùa khá đơn sơ. Đến năm 1961, chùa được xây lại theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bảo. Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, kiến trúc chùa bị xuống cấp trầm trọng. Năm 2010, Ban Trị sự Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tái thiết và mở rộng ngôi chùa với tầng hầm gửi xe, Điện Di Đà và tầng lầu Chánh điện.

Chùa Phổ Quang sở hữu cảnh quan rất đẹp và thanh tịnh, yên bình

Điện Di Đà của chùa thờ tượng Phật Di Đà to lớn, uy nghi, cao gần 7m và đường kính 5m. Tầng lầu Chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc tựa như các ngôi chùa miền Bắc nhưng chỉ thờ một tượng Phật mạ vàng cao 5m thỉnh về từ Trung Quốc. Hai bên sân Chánh điện là dãy lầu Đông, Tây, có đại giảng đường để tổ chức các sự kiện Phật sự của thành phố. Giữa bộn bề của cuộc sống, chùa Phổ Quang tựa như chốn bồng lai huyền diệu, mang đến không khí thanh tịnh cho bất cứ ai khi vừa đặt chân đến.

Điện Di Đà thờ tượng Phật Di Đà to lớn, không gian toát lên vẻ uy nghiêm thanh tịnh

  • Chùa Ngọc Hoàng

Chùa Ngọc Hoàng hay còn được gọi là chùa Phước Hải, được xây dựng từ năm 1892 đến năm 1900 với diện tích 2.000m2. Chùa Ngọc Hoàng là ngôi chùa cổ nổi tiếng linh thiêng bậc nhất tại Sài Gòn. Rất nhiều du khách đến chùa để cầu ông Tơ, bà Nguyệt về tình duyên và đường con cái. Vì thế, bất kể ngày thường hay ngày rằm, lễ, tết, người dân đều đổ về chùa Ngọc Hoàng để lễ bái.

Chùa được xây theo kiến trúc Trung Hoa, ở giữa có hồ sen cho hoa thơm ngát

Chùa được xây dựng theo kiến trúc Trung Hoa, bên trong lưu giữ nhiều bức tượng điêu khắc bằng gỗ rất đẹp và quý giá. Trong khuôn viên chùa còn có hồ sen đẹp cho hoa nở thơm mát, có một hồ nuôi rùa với số lượng lên đến hàng nghìn con. Đây cũng là nơi phóng sinh rùa của các Phật tử khi đến tham quan chùa. Năm 1994, chùa Ngọc Hoàng được công nhận là di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Chùa cũng từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đến viếng vào tháng 5 năm 2016.

Nhiều người đến chùa để cầu may về đường tình duyên, đường con cái

  • Chùa Hoằng Pháp

Chùa Hoằng Pháp được xây dựng vào năm 1957 theo lối kiến trúc của miền Bắc. Tại chùa thường tổ chức các khóa giảng dạy, tu niệm thu hút đông đảo tín đồ Phật giáo ở Sài Gòn và nhiều vùng lân cận đổ về tham gia. Nổi bật nhất là khóa tu mùa hè được tổ chức thường niên, thu hút hàng nghìn học viên tham gia. Khóa tu mùa hè tạo môi trường tâm linh lành mạnh, giúp người học cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần.

Chùa Hoằng Pháp là chốn thanh tịnh, uy nghiêm mà ai đến Sài Gòn cũng muốn đến viếng một lần

Điều đặc biệt dễ dàng nhận thấy khi đến chùa Hoằng Pháp là đa số các bức tự, câu đối hay hoành phi đều được viết bằng chữ quốc ngữ, không giống với những ngôi chùa cổ truyền thống ở miền Bắc. Vật liệu dùng để xây chùa cũng là vật liệu hiện đại chắc chắn nhưng vẫn giữ nguyên các kiến trúc truyền thống đặc trưng. Khuôn viên chùa có nhiều chậu cây cảnh xanh tươi, tạo không gian thoáng mát, trong lành.

Các khu vực thờ tự được thiết kế trang trọng, uy nghiêm, hòa hợp với thiên nhiên

Trong khuôn viên chùa có tháp Nhị Ngiêm, nơi an nghỉ cuối cùng của cố hòa thượng Ngộ Chân Tử - người đã có công khai lập chùa. Các khu vực thờ tự khác cũng được thiết kế trang trọng, uy nghiêm và hòa hợp với thiên nhiên. Chùa Hoằng Pháp thường là nơi chiêm bái quen thuộc của đông đảo tín đồ Phật giáo ở các tỉnh thành ngoài Sài Gòn vào mỗi dịp lễ, tết và cả ngày thường.

Du khách đến chùa nên viếng tháp Nhị Nghiêm, nơi thờ vị hòa thượng có công khai lập chùa

  • Việt Nam Quốc Tự

Nhắc đến danh sách các ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Sài Gòn không thể bỏ qua Việt Nam Quốc Tự. Việt Nam Quốc Tự được xây dựng vào năm 1964 theo lối kiến trúc cổ miền Bắc với màu vàng là chủ đạo, mái ngói màu đỏ nâu. Phần mái chùa được xây thành nhiều tầng, đầu mái cong cong hình đầu đao, được điêu khắc đầu rồng tinh xảo.

Một trong những công trình Phật giáo nổi bật nhất ở Sài Gòn là Việt Nam Quốc Tự

Các công trình kiến trúc trong khuôn viên chùa gồm có Chính điện, tòa tháp 13 tầng, viện Đại học Phương Nam, cô nhiên viện Quách Nhi Trang và các điện thờ, tượng Phật. Các hạng mục kiến trúc trong Việt Nam Quốc Tự dù lớn hay nhỏ đều được đầu tư xây dựng bài bản, kiên cố, chạm trổ tinh vi thể hiện bản sắc phong cách chùa cổ ở Việt Nam.

Khu điện thờ Phật Thích Ca Mâu Ni toát lên vẻ trang nghiêm, uy nghi

Trong chùa thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 7.5m, nặng 35 tấn được đúc vào năm 2015, đây cũng là pho tượng bằng đồng thờ trong chính điện lớn nhất Việt Nam. Tòa tháp 13 tầng mang ý nghĩa tượng trưng cho tinh thần phụng sự, thống nhất của 13 tổ chức, hội đoàn, tông phái tham gia đấu tranh bạo động của Phật giáo vì hòa bình và bình đẳng tôn giáo tại Nam Bộ vào năm 1963. Dạo bước trong khuôn viên chùa, bạn sẽ thấy lòng mình được thanh tịnh và bình yên hơn nhiều.

Khuôn viên chùa được trang trí mai vàng mỗi dịp tết đến, xuân về làm không gian trở nên sống động hơn

  • Chùa Vạn Đức

Năm 1964, một gia đình giàu có trong vùng hiến tặng cả đất và nhà để xây chùa Vạn Đức. Sau khi nhận nhà và đất, sư trụ trì giữ nguyên kiến trúc và làm thêm phần phía trước để trông giống chùa. Sau nhiều lần sửa chữa, năm 2004, nhà chùa thực hiện đại trùng tu khu chính điện cùng nhà Tổ. Hai năm sau đó, chính điện hoàn thành với chiều cao 43.5m, được sách kỷ lục Việt Nam xác lập là ngôi chùa có chính điện cao nhất Việt Nam.

Chùa Vạn Đức là ngôi chùa có chính điện cao nhất ở Việt Nam

Dù cao nhưng chính điện chỉ gồm có 2 tầng. Tầng trệt là giảng đường, tầng trên là nội điện dùng để phục vụ các hoạt động Phật pháp chính của chùa. Nhìn từ bên ngoài, chính điện có kết cấu trông giống tòa tháp cao 9 tầng, trên đỉnh là đài sen. Phần mái điện lợp ngói lưu ly xanh, trên các đầu đao gắn hoa văn là hình hoa sen cách điệu.

Mái chùa được trang trí hoa sen cách điệu rất tinh xảo, bắt mắt

Khu nội điện chùa có không gian rộng rãi, thờ tượng Phật Thích Ca và Tham Thế Phật. Trung tâm nội điện là bức phù điêu nổi hình cây bồ đề và phong cảnh sông Ni Liên Thiền, làm tăng thêm sự thanh tịnh cho không gian và vẻ uy nghiêm nơi cửa Phật. Trong khuôn viên chùa thờ nhiều tượng Phật, Quan Thế Âm, thần Hộ Pháp… Hình ảnh hoa sen cách điệu – loài hoa gắn liền với Phật giáo được trang trí ở nhiều nơi trong chùa. Năm 2017, chùa cho xây thêm tượng Phật cao khoảng 15m, làm bằng đá nguyên khối đặt ở trước chính điện.

Tượng Phật uy nghi làm bằng đá nguyên khối tọa lạc ngay phía trước chính điện chùa

Chùa không chỉ là nơi thờ tự tôn nghiêm mà còn là danh thắng để mọi người đến chiêm ngưỡng. Thế nên, nếu bạn lên kế hoạch săn vé máy bay giá rẻ tháng 4 để phượt Sài Gòn, bạn có thể đến viếng những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng nơi đây để tìm lại sự thanh tịnh cho tâm hồn. Thậm chí, bạn cũng có thể chụp được nhiều bức ảnh thật đẹp khi viếng chùa ở Sài Gòn nữa đấy./.